Blog
22
07
2016

Ai cũng có thể thiền

Theo bạn “Thiền” là gì?

Thiền trong suy nghĩ của nhiều người thường gắn liền với tôn giáo và những nhà tu hành. Mỗi tôn giáo lại có những quan điểm riêng về Thiền. Do đó, để tìm được một tiếng nói chung cho câu hỏi “Thiền là gì?” thì rất khó. Trong bài viết này, Thiền sẽ được bàn luận dưới quan điểm của đạo Hindu và một số bậc thầy về yoga. Theo truyền thuyết của Ấn Độ, một trong những cái nôi của Hindu giáo và yoga, thần Shiva là người đầu tiên thực hành yoga và thiền vào khoảng 15000 năm trước đây trên đỉnh dãy núi Himalaya. Và Thiền là tất cả những gì chúng ta làm với ý thức và sự tập trung 100% vào việc đó: lắng nghe hơi thở của mình cũng là thiền, nghe tiếng chim hót cũng là thiền, làm việc cũng có thể là thiền…, miễn sao những hoạt động này được thực hiện khi tâm trí chúng ta hoàn toàn tập trung, không bị phân tán bởi bất cứ suy nghĩ nào khác. Thiền không phải là một kỹ thuật mà là cả một phong cách sống.

Lợi ích của Thiền:

Thiền giúp nhịp thở chậm lại, tĩnh lặng tâm hồn và đem đến cảm giác bình yên, tĩnh tại. Nó mang đến nhiều ích lợi cho sức khỏe, tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Ngày nay, Thiền được sử dụng như một phương pháp trị liệu cho những vấn đề về tinh thần, các chứng nghiện, căng thẳng hàng ngày, những vấn đề nhỏ về sức khỏe cũng như mang đến giấc ngủ sâu.

OM & Thư giãn sâu

Có nhiều trường phái Thiền khác nhau: Thiền Hindu giáo, Thiền Phật giáo, Thiền Thiên chúa giáo, Thiền Trung Quốc. Ngày nay,  có thêm một loại Thiền nữa dựa trên các cơ sở khoa học có tên tiếng Anh là “Guided Meditation” – nghĩa là người tập sẽ được đưa vào trạng thái thiền khi làm theo sự hướng dẫn của Huấn luyện viên bằng nhiều hình thức khác nhau, từ giọng nói cho đến video, kết hợp âm nhạc. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng  thảo luận 2 cách thiền rất quen thuộc mà hàng ngày chúng ta đều thực hành trong các lớp yoga nhưng ít người thực sự hiểu hết ý nghĩa và cách thực hiện đúng của chúng.

OM

OM là một từ cổ trong tiếng Phạn – một cổ ngữ của Ấn Độ dùng để tế lễ. Rất khó để miêu tả hết bằng lời những gì mà từ OM biểu tượng và những trải nghiệm nó đem lại cho người niệm. Người ta nói rằng cổ ngữ nhỏ bé này ẩn chứa sức mạnh của cả vũ trụ. Nó đại diện cho sự khởi đầu (quá khứ), sự tiếp diễn (hiện tại) và sự kết thúc (tương lai). Với lý luận ấy, khi niệm OM, bạn cảm nhận rõ hơn về sự tồn tại của thế giới xung quanh và cơ thể mình và nó cũng mang đến những cảm xúc, suy nghĩ và niềm tin về thế giới và cuộc sống.

OM symbol

Để niệm từ OM chính xác bạn cần hiểu rằng nó không phải chỉ được phát âm đơn thuần là “om” mà thực tế nó được cấu thành bời 4 phần, bao gồm 3 âm: A (aaahhh) + U (oooh) + M (mmm) và phần thứ 4 chính là phần rung mà việc niệm 3 âm trên tạo ra. Chính phần rung này sẽ tác động đến các bộ phận trong cơ thể, đem đến những lợi ích sau:

– Tạo ra một môi trường tinh khiết trong lành xung quanh bạn.

– Giải độc cơ thể

– Da đẹp

– Tăng sức đề kháng

– Tăng sự tập trung

– Luyện giọng

– Tốt cho hệ tim mạch

– Giúp bạn luôn thăng bằng và kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình.

– Tốt cho hệ thống dây thần kinh xương sống.

– Tốt cho cổ họng.

Thời điểm tốt nhất để tập niệm OM là sau khi ngủ dậy hoặc trước khi đi ngủ. Hãy đảm bảo bạn không ăn no khi tập và tốt nhất là ăn cách xa thời điểm tập. Hãy bắt đầu bằng 10 phút mỗi ngày rồi tăng dần theo thời gian.

Thư giãn sâu

Nếu như tập niệm OM sẽ mang đến lợi ích cho người tập qua thời gian thì tập Thư giãn sâu sẽ mang đến cho người tập những cảm nhận ngay sau đó.

Đầu tiên, hãy sẵn sàng bằng một tư thế đúng: nằm ngửa, hai lòng bàn tay hướng lên trên, hai cánh tay để cách xa thân, hai chân dang rộng bằng chiều rộng vai, nhắm mắt, hoàn toàn thả lỏng cơ thể.

Huấn luyện viên yoga sẽ đưa ra những hướng dẫn giúp bạn thả lỏng cơ thể từ đầu ngón chân và dần dần lên đến đỉnh đầu. Kết thúc quá trình này, người tập sẽ được đưa vào trạng thái thư giãn hoàn toàn, hòa mình vào âm nhạc nhẹ nhàng và có thể thiếp ngủ.

 

 

author: teekiucms

Comment
0

Leave a reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.